XÂY DỰNG "VÀNH ĐAI CHÍNH TRỊ AN TOÀN" VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC, LÀM THẤT BẠI ÂM MƯU "DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH" CỦA ĐỊCH
Nobita91275 (ST)
Nước ta là một quốc gia gồm nhiều dân tộc hợp thành đại
gia đình dân tộc Việt Nam. Trong 54 dân tộc chỉ có dân tộc Việt (Kinh) là đông
nhất (hơn 80% dân số), các dân tộc còn lại đều là thiểu số (ngôn ngữ thường
ngày gọi chung là "đồng bào dân tộc"). Trải qua hàng ngàn năm lịch
sử, các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đã đoàn kết gắn bó, đồng tâm hiệp
lực xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Cũng trong trường kỳ lịch sử, các
thế lực thù địch luôn dùng mọi thủ đoạn hòng phá vỡ khối đoàn kết toàn dân để
thực hiện những ý đồ đen tối của chúng. Chiến lược "Diễn biến hoà
bình" (DBHB) do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế tiến
hành chống Việt Nam được triển khai một cách toàn diện, cả kinh tế, chính trị,
ngoại giao, văn hoá... ở mọi miền dân cư, mọi đối tượng xã hội. Song chúng
thường tập trung mũi nhọn vào những điểm, những khu vực mà chúng cho là dễ
"diễn biến", để từ đó xây dựng bàn đạp, tạo thời cơ, dựng "ngọn
cờ", dựng "nguyên cớ" để can thiệp sâu hơn, thực hiện mục tiêu
xoá bỏ CNXH ở Việt Nam, đưa Việt Nam vào qũy đạo của chúng. Vùng đồng bào
dân tộc là một trong những trọng điểm của chiến lược "DBHB". Sở dĩ
các thế lực thù địch triệt để "khai thác" vùng đồng bào dân tộc vì
phần lớn đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và còn rất
nhiều khó khăn so với cả nước. Xin nêu một số thực trạng:
Theo
Uỷ ban Dân tộc và miền núi, tình trạng lạc hậu, đói nghèo ở vùng đồng bào
dân tộc còn phổ biến. Đến cuối năm 1999, Chính phủ đã xét duyệt, đưa 10 tỉnh
vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi với tổng số 4.360 xã,
phường, thị trấn vào phân định ba khu vực vùng núi và vùng dân tộc, làm cơ sở cho
các bộ, ngành đầu tư theo địa bàn, quy mô và thời gian cụ thể nhằm xoá đói giảm
nghèo cho đồng bào. Có những tỉnh, tổng thu nhập chỉ đạt 1/4 hoặc 1/3 ngân
sách, còn lại do Nhà nước bao cấp. Số xã được xếp vào "khu vực III"
(khu vực đặc biệt khó khăn) là 1.715 xã. Vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, cơ
sở hạ tầng lạc hậu... Tỷ lệ nghèo đói ở phạm vi cả nước là 13%, riêng vùng núi,
vùng sâu, vùng xa cao hơn nhiều. Tỉnh Lai Châu, tỷ lệ nghèo đói là 38,7%;
38/154 xã, phường, thị trấn chưa có đường ôtô, 48 xã chưa có trạm xá; 9 vạn
người trong độ tuổi 15-35 chưa biết chữ; 42.000 trẻ em đang độ tuổi chưa đến
trường
Hiện tượng di cư
tự do còn diễn ra với số lượng lớn, kéo dài, đặc biệt vùng núi phía Bắc và Tây
Nguyên. Trên địa bàn Quân khu II, trong 2 năm 1997-1998 có 2.151 hộ với 14.226
nhân khẩu, 5 tháng đầu năm 1999 có 814 hộ với 4.671 nhân khẩu di cư (số liệu
của Cục Chính trị Quân khu). Di cư tự do đã ảnh hưởng lớn đến an ninh chính
trị, kinh tế, văn hoá ở các địa phương có dân đến và dân đi, tạo nên sự xáo
trộn về phân bố dân cư. Chính quyền rất khó quản lý, điều hành. Nạn đốt rừng
tràn lan, săn bắt thú quý hiếm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh và cuộc sống
lâu dài của đồng bào. Tình trạng tranh chấp đất đai gia tăng.
Đáng lưu ý đời
sống văn hoá của đồng bào dân tộc còn lạc hậu, dân trí thấp, tình trạng lạc hậu
về thông tin là rất phổ biến (nhất là những nơi chưa có điện); một số luật tục
lỗi thời, phản khoa học chưa được loại bỏ triệt để. Nhiều giá trị văn hoá
truyền thống bị mai một biến tướng do sự thâm nhập của những luồng văn hoá
không lành mạnh. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút và buôn bán ma túy, mại dâm,
trộm cướp, buôn bán hàng lậu, hàng giả... là một mũi nhọn đánh vào kinh tế, phá
rối trật tự an ninh vùng đồng bào dân tộc.
Hệ thống chính
trị ở vùng đồng vào dân tộc còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu mới đặt ra.
Không ít cán bộ xã, thôn, bản, trình độ học vấn còn rất thấp, hiểu biết về quản
lý, chủ trương, chính sách và pháp luật còn rất hạn chế. Do đó công tác quản lý
an ninh chính trị địa bàn và giải quyết những vướng mắc ở cơ sở của đội ngũ cán
bộ chính quyền địa phương còn rất bất cập. Vì thế, chính quyền quản lý dân
không chặt chẽ, không đủ khả năng vận động, tổ chức, hướng dẫn nhân dân làm ăn
và giải thích cho dân hiểu âm mưu, thủ đoạn phá hoại của địch... Khi có sự việc
xảy ra, chính quyền không xử lý kịp thời. Có xã, nhân dân đề nghị giải quyết
tranh chấp đất đai hàng chục lần vẫn không thấy cán bộ đến, để mâu thuẫn căng
thẳng dẫn tới xô xát, thương vong. Mặc dù dân nghèo nhưng một số cán bộ vẫn sách
nhiễu, gây phiền hà, đòi quà cáp, hối lộ. Trong khi đó bọn người xấu, những
người truyền đạo trái phép len lỏi vào từng bản làng, từng gia đình tuyên
truyền, mua chuộc, lôi kéo dân theo chúng, càng làm cho tình hình an ninh chính
trị phức tạp.
Tóm lại, tình trạng đói nghèo, lạc hậu, dân trí
thấp, ít thông tin, quản lý giáo dục thiếu chặt chẽ... là "cơ hội ngàn
vàng" để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại nhiều mặt, tuyên truyền
xuyên tạc, "tranh thủ trái tim, khối óc" đồng bào dân tộc. Thủ đoạn
của chúng vẫn là dùng người dân tộc chống người dân tộc, dùng dân tộc này chống
dân tộc khác, chia cắt, xé lẻ khối đại đoàn kết toàn dân để dễ bề thao túng.
Hiện nay chúng đang tập trung thực hiện một số thủ đoạn chính sau đây:
- Tuyên truyền, kích động tâm lý dân tộc, khai thác các yếu tố lịch sử,
văn hoá, gây mầm mống chia rẽ, ly khai. Đồng thời xuyên tạc, nói xấu chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc và miền núi.
Từ đó dụ dỗ, lôi kéo đồng bào di cư tự do đi tìm vua, tìm chúa, tìm Tổ quốc
riêng.
- Nuôi dưỡng bọn
phản động lưu vong người dân tộc, tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho chúng
hoạt động, đào tạo bồi dưỡng người của các tổ chức phản động, xây dựng căn cứ
làm bàn đạp xâm nhập vào trong nước.
- Lợi dụng việc
tham quan, du lịch, thăm thân nhân, núp dưới các hình thức viện trợ nhân đạo,
giúp đỡ xoá đói, giảm nghèo để thâm nhập địa bàn, tuyên truyền móc nối với các
phần tử phản động, bất mãn, chống đối, tranh thủ những người có uy tín trong
dòng họ, trong làng bản (tốt nhất là cán bộ, đảng viên) để xây dựng các tổ chức
phản động. Đồng thời, tăng cường xây dựng củng cố mạng lưới gián điệp, thu thập
tình báo và hoạt động phá hoại, khơi dậy những nhân tố mất ổn định trong từng
vùng dân tộc.
- Tuyên truyền,
kích động đồng bào dân tộc chống lại chủ trương, chính sách kinh tế-xã hội của
Đảng và Nhà nước như chống chủ trương ba bỏ: bỏ trồng cây thuốc phiện, bỏ du
canh, dư cư, bỏ mê tín dị đoan; đưa yêu sách được công nhận là tín đồ đạo Tin
lành, làm nhà nguyện...
Những thủ đoạn
thâm độc của địch đã và đang gây ra nhiều tác hại ở vùng dân tộc và miền núi:
- Làm cho một bộ
phận đồng bào các dân tộc hoang mang, lo sợ, thiếu tin tưởng ở đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước, mơ hồ ảo tưởng trông chờ vào thế lực siêu nhiên
(vua, chúa, Vàng Chứ...), khiến đời sống ngày càng sa sút, đói nghèo thêm.
- Gây chia rẽ
trong nội bộ các dân tộc, bản làng, dòng họ, gia đình... dẫn đến mâu thuẫn khó
giải quyết và hậu quả lâu dài.
- Tạo nên việc
di dân tự do, bỏ nhà cửa, ruộng nương đi tìm miền đất mới dẫn đến đói rét, bệnh
tật, thất học. Kèm theo đó là nạn phá rừng, tranh chấp đất đai, nghiện hút,
trộm cắp, vi phạm quy chế biên giới, quy chế quản lý hộ tịch, hộ khẩu...
Hiện nay, bọn
phản động đang vận động, lôi kéo bà con dân tộc H'Mông di cư về vùng biên giới
Tây Bắc. Đồng thời chúng tăng cường hoạt động ở vùng Tây Nguyên và vùng đồng
bào Khơme Nam Bộ với những ý đồ thâm hiểm, tạo "điểm nóng" rồi lấy cớ
can thiệp... Để góp phần làm thất bại âm mưu "DBHB", bạo loạn lật đổ
của các thế lực thù địch, xây dựng "vành đai chính trị an toàn" vùng
đồng bào dân tộc, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Trước hết và quan trọng nhất là phát triển kinh
tế, ổn định đời sống, xoá đói, giảm nghèo. Trong mấy năm gần đây, Nhà nước đã
đầu tư nhiều dự án, nhưng do nhiều nguyên nhân nên kết quả chưa đủ sức làm biến
đổi căn bản bộ mặt vùng sâu, vùng xa. Nhân dân ở "khu vực III" so với
vài ba chục năm trước đây, chưa có tiến bộ đáng kể. Vì vậy, cùng với mục tiêu
tổng thể phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cần phải chi tiết hoá các dự
án, chia thành từng bước, có mục tiêu cụ thể, có kiểm tra đánh giá, cái gì được
thì phát huy, chưa được thì bổ sung, sửa chữa; cơ quan, cá nhân nào làm sai,
làm ẩu, ăn chặn của dân phải xử phạt nghiêm minh. Vấn đề hàng đầu là xây dựng
cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm). Các dự án không nên rải đều
mà tập trung giải quyết khâu cấp bách nhất, điểm khó khăn nhất (ví dụ: làm
đường ôtô vào xã, xây trường học), có thời hạn hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế,
kỹ thuật cụ thể.
- Đẩy mạnh cuộc vận động định canh, định cư, hạn chế
tiến tới chấm dứt di cư tự do là khâu rất quan trọng để ổn định tình hình kinh
tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Ban chỉ huy thống nhất tỉnh, huyện, các
đoàn (đội) công tác cùng với chi bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể
quần chúng địa phương kiên trì giáo dục, thuyết phục, vận động đồng bào định
canh, định cư; chỉ ra tác hại của di cư tự do, trong đó có âm mưu phá hoại của
địch. Giao chỉ tiêu cho từng đoàn thể, từng thôn bản thi đua vận động 100%
thành viên của mình không di cư tự do. Mặt khác, hướng dẫn đồng bào cách làm ăn
(theo lối "cầm tay chỉ việc"), áp dụng kỹ thuật canh tác mới trong
trồng trọt và chăn nuôi, xác định được cây, con thích hợp để có hiệu quả kinh
tế rõ rệt, tạo niềm tin, phấn khởi, yên tâm sản xuất, xây dựng bản làng. Vận
động bà con bỏ nếp canh tác cũ, lạc hậu. Đồng thời phát động phong trào vệ
sinh, phòng bệnh, không chữa bệnh theo thói quen, thiếu khoa học. Tiếp tục giải
quyết hậu quả của tình trạng di cư tự do một cách hợp lý, đúng chính sách,
không gây khó khăn thêm cho đồng bào.
- Kiểm soát chặt
chẽ khách tham quan, du lịch, người qua lại vùng biên giới, xây dựng địa bàn an
toàn. Phát hiện kịp thời và ngăn chặn những kẻ lợi dụng qua lại, gieo rắc luận
điệu phản động, truyền đạo trái phép, cùng những việc làm mờ ám khác.
- Khôi phục,
phát triển văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt những
giá trị văn hoá giàu tính nhân văn, giàu bản sắc dân tộc, thành nội dung, hình
thức chủ đạo trong sinh hoạt văn hoá của thôn bản.
Kết hợp phổ biến
đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh đấu tranh với những biểu
hiện tiêu cực trong đời sống văn hoá, kiên quyết ngăn chặn các tệ nạn xã hội
nguy hiểm như ma túy, mại dâm, trộm cướp...
- Do trình độ
cán bộ cơ sở còn yếu nên cần tăng cường sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương,
tỉnh, huyện. Ban Chỉ huy thống nhất tỉnh, huyện do Thường vụ Tỉnh uỷ, Huyện uỷ
và Thường trực Uỷ ban trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời thành lập các đoàn (đội)
công tác gồm cán bộ các ban, ngành, đoàn thể có tổ chức chỉ huy chặt chẽ, có kế
hoạch hoạt động cụ thể. Để làm tốt nhiệm vụ, các đoàn, đội công tác phải
chuẩn bị chu đáo về nội dung, tài liệu, phương tiện, phải biết tiếng dân tộc,
nắm vững phong tục, tập quán của họ và thực hiện “ba cùng” với họ. Thời gian
mỗi đợt công tác ít nhất là 6 tháng, có sơ kết, rút kinh nghiệm bổ sung cho những
đợt sau. Khẩn trương bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ cơ sở.
Trước mắt là thanh toán nạn mù chữ, sau đó nâng dần lên. Bằng mọi giá, các xã
phải có trường phổ thông cơ sở, trong những năm tới, phấn đấu hoàn thành phổ
cập cấp I, xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi...
Cần phải tiến hành những giải pháp trên đồng bộ, liên tục. Thực hiện tốt
các giải pháp cơ bản đó góp phần đưa chính sách dân tộc và miền núi của Đảng và
Nhà nước trở thành hiện thực, góp phần xây dựng "vành đai chính trị an
toàn", làm thất bại âm mưu "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ
của các thế lực phản động trong và ngoài nước.
Nobita91275
(ST)
Nhận xét
Đăng nhận xét