MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG VỚI NHÂN DÂN LÀ KHÔNG THỂ CHIA CẮT

Nobita091275 (st)
         Trong giai đoạn hiện nay, người ta lại thấy một chiến dịch khá rầm rộ được các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài hợp sức tiến công vào Đảng và mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Những luận điệu đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; những lý thuyết “một đảng cầm quyền thì không thể có dân chủ, chỉ dẫn đến độc tài, độc trị, trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, yêu sách Đảng ta từ bỏ quyền lãnh đạo, coi đó là “vấn đề căn bản”, “then chốt” hợp lòng dân, bảo đảm dân chủ; vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam chiếm quyền của dân, “độc đoán”, “đảng trị", “thực hiện sự chuyên chính của một đảng”, “sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu”,... được chúng tung trên khắp các phương tiện thông tin, truyền thông nhằm làm giảm lòng tin của dân đối với Đảng, đối lập Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng và Nhà nước với nhân dân.
         Lợi dụng việc chúng ta công khai tự phê bình, đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, quan liêu và tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, khắc phục “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những thế lực này ra sức công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu Đảng; cố tình thổi phồng khuyết điểm, sai lầm của một số cá nhân đảng viên. Họ còn hô hào: trách nhiệm của những người yêu nước là phải cùng toàn dân “nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước”...
           Những lời lẽ, giọng điệu trên cho thấy rõ thực chất mục tiêu số một của các thế lực thù địch là nhằm chia cắt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, làm cho dân xa rời và đối lập với Đảng, thủ tiêu nguồn sức mạnh vô địch và sức sống của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
         Thực tiễn xây dựng, trưởng thành và cầm quyền của Đảng ta cho thấy, chính lịch sử dân tộc và nhân dân ta đã lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc trên con đường đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đảng đã vì dân mà ra đời, lãnh đạo cách mạng, đưa nhân dân thoát khỏi nô lệ, lầm than, vươn lên làm chủ, xây dựng cuộc sống mới, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta. Và nhân dân ta đã một lòng theo Đảng, đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên những kỳ tích vĩ đại, những thành tựu mang tầm vóc lịch sử. Đó là bản chất và nội dung cốt lõi mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân ta. Mối quan hệ mật thiết đó đã, đang và vẫn thể hiện sinh động trong thực tiễn, là cội nguồn sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam, mà không thế lực nào có thể chia cắt được.
       Mọi người Việt Nam đều biết, vai trò lịch sử của Đảng ta đối với vận mệnh và tương lai của dân tộc, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân là khách quan, do chính lịch sử dân tộc Việt Nam và khát vọng của nhân dân ta quy định; và do chính bản chất cách mạng, tính tiền phong của Đảng mới có được. Vai trò và mối quan hệ đó đã được khẳng định trong thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam suốt hơn tám thập niên qua, không ai có thể tranh giành, bác bỏ hay phủ nhận. Vậy nên, không thể vì sự hạn chế, khuyết điểm nào đó, vì những khó khăn của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà vội vã phán xét rằng Đảng đã “hết vai trò lịch sử”, “không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”, rằng quan hệ mật thiết giữa Đảng và dân không còn nữa, nhân dân không cần phải tin và theo Đảng, rồi kích động, hô hào nhân dân chống lại Đảng và chống lại chế độ!
       Thực tiễn cho thấy, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi người dân Việt Nam đều cảm nhận được rất rõ, được thực sự thụ hưởng cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, được thế giới đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam. Mọi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. Mọi người dân đều trực tiếp hay gián tiếp đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của dân ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng; là yêu cầu ứng xử của cán bộ, đảng viên trong tiếp xúc, quan hệ với dân và chăm lo đến dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đảng đã thực sự “gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” đúng như Hiến pháp Việt Nam đã hiến định.
         Đó là thực tế, là hiện thực không thể bàn cãi. Hiện thực đó bác bỏ mọi sự chống phá, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Từ bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đa đảng chắc chắn sẽ không phải là vì lợi ích của nhân dân, mà điều tệ hại sẽ đến là: đất nước mất ổn định, kinh tế đổ vỡ, xã hội hỗn loạn, rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước, mà nhân dân chỉ là cái cớ cho sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái.
         Những hạn chế, khuyết điểm của chúng ta trong quá trình xây dựng đất nước là có thực, nhưng đó là những hạn chế và khuyết điểm trên con đường phát triển. Lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của một số cấp ủy đảng và chính quyền, của một số cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, chính sách để nói xấu, công kích, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân không phải là hành động của những người thực sự “vì dân”, “vì nước”, vì sự phát triển và phồn vinh của đất nước, mà là hành động của những kẻ “đục nước béo cò”. Hành động đó chỉ có thể làm tổn hại đến sự ổn định chính trị - xã hội, đi ngược lại nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Thái độ và hành động đúng đắn ở đây là phải ghé vai cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng thành một khối vững chắc, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, khắc phục khó khăn, yếu kém, khuyết điểm, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, nhằm chấn hưng đất nước.
         Những thành tựu có được ngày hôm nay là sự cố gắng to lớn, rất đáng tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Tuy nhiên, hiện nay “chúng ta vẫn luôn đau đáu vì nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân“. Chúng ta không phủ nhận những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình đi lên. Đảng ta đã nhận rõ vấn đề và kiên quyết sửa chữa, đấu tranh khắc phục.
         Trong tình hình mới, chúng ta cần phải dành công sức nhiều hơn nữa, tạo sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. “Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nhất là tiếp tục thực hiện kiên trì, quyết liệt hơn Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong Đảng và trong xã hội; giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
       Củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là yêu cầu và nội dung cơ bản làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chủ trương, chính sách hợp lòng dân, “hết sức làm” những việc gì có lợi cho dân; “hết sức tránh” những việc gì có hại đối với dân. Chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vấn đề quan trọng đặc biệt hiện nay là chúng ta phải kiên quyết khắc phục sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, làm nhân dân bất bình, lo lắng và suy giảm niềm tin đối với Đảng. Cần thấy rằng, uy tín của Đảng ra sao, lòng tin của dân đối với Đảng đến đâu, mối quan hệ Đảng với nhân dân mật thiết, bền chặt như thế nào phụ thuộc quyết định vào chính sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vào phẩm chất, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên.
          Củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và xây dựng Đảng không phải là câu khẩu hiệu mà là hành động thực tế. Đó không phải là sự nghiệp của riêng Đảng mà là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của nhân dân là to lớn, tai mắt của nhân dân là hết sức khách quan. Cần phát huy vai trò và tinh thần làm chủ của nhân dân và các tổ chức quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở và giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái. Đó là sự biểu hiện sinh động quyền làm chủ của nhân dân, lòng tin tưởng, tình cảm và quyết tâm của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Đảng mến yêu của mình, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
        Nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đó là sự thể hiện sâu sắc ý Đảng, lòng dân, góp phần quan trọng làm chuyển biến phương thức lãnh đạo, công tác điều hành, quản lý và lề lối làm việc của các cấp uỷ đảng, chính quyền; là phương thức hữu hiệu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là biểu hiện cụ thể quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống ở cơ sở”, phải được thể hiện tốt hơn trong đời sống hiện thực.
        Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận đầy đủ và thấu đáo hơn vấn đề Đảng lãnh đạo bằng “hành động gương mẫu của đảng viên” và tầm quan trọng đặc biệt của “hành động gương mẫu của đảng viên" đối với việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vững chắc của mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân phụ thuộc quyết định vào bản thân Đảng, vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và sự gương mẫu của mọi đảng viên. Đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì chủ trương, chính sách của Đảng khó có thể trở thành hiện thực, thậm chí bị thực hiện sai, nhân dân thiếu tin tưởng vào chủ trương, chính sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng sẽ mất đi ý nghĩa thực tiễn, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân sẽ bị suy giảm, bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá.
       Tính gương mẫu đòi hỏi người đảng viên phải gương mẫu toàn diện, không chỉ về tư tưởng chính trị mà còn phải gương mẫu về hành động, về đạo đức, lối sống; không chỉ gương mẫu trong lời nói mà còn cả trong việc làm trên mọi lĩnh vực, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, cả trong tổ chức, xã hội và đối với gia đình. Đảng viên không có uy tín với xóm làng, khối phố, khu dân cư thì không thể nói là gương mẫu. Cũng không thể nói là gương mẫu, nếu người đảng viên đó chỉ thuyết giáo và yêu cầu mọi người hãy chấp hành pháp luật, còn mình thì “đứng ngoài cuộc”, thậm chí lại để cho vợ con lợi dụng, làm những việc trái pháp luật, làm giàu phi pháp, bất lương, bất chính.
        Nhân dân ta luôn tin tưởng vào Đảng, bao giờ cũng mong muốn Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là lương tâm, trí tuệ đại diện cho dân tộc; thực sự là “đạo đức và văn minh”; thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, dẫn dắt đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi đảng viên thật sự là tấm gương mẫu mực toàn diện; đảng viên giữ chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Nhân dân bao giờ cũng nhìn vào sự gương mẫu của đảng viên, xem đảng viên chấp hành chủ trương, chính sách và sống như thế nào, nói và làm ra sao, để tin tưởng và noi theo. Vì thế, “Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống, phải gương mẫu trong mọi hành động, “Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”; phải “phát huy tính tiên phong, gương mẫu, gần dân, sát dân của cán bộ, đảng viên”. Đây là yêu cầu cơ bản mà chúng ta cần đặc biệt nhấn mạnh và thực hiện tốt trong tình hình hiện nay nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ gìn và nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân, làm thất bại mọi sự phá hoại của các thế lực thù địch./.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ÁM THỊ VÀ ĐỒNG NHẤT HÓA, NHỮNG CƠ CHẾ TÂM LÝ XÃ HỘI DỄ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG

“TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CUỘC ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

Ông Bùi Tín không thể xuyên tạc lịch sử