CHÍNH SÁCH “NGỤ BINH Ư NÔNG” VÀ VẤN ĐỀ KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG

KSOR.H.Psy11
Sau hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam, các đơn vị quân đội đã tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực lao động, đất đai, kỹ thuật..., đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống vật chất cho bộ đội. Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được một số loại vũ khí, trang bị khí tài phù hợp, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước... Để làm rõ hơn về chức năng sản xuất của Quân đội, K’Sor H xin được dẫn lại bài viết trên trang Facebook https://www.facebook.com/ToiyeuQuandoiNhandanVietnam1203/posts/1578302682243156:0 với mong muốn giúp người đọc có cái nhìn toàn diện, lịch sử và cụ thể về một trong ba chức năng, nhiệm vụ chính trị cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, dân tộc ta có nhiều kinh nghiệm kết hợp chặt chẽ vấn đề kinh tế với quốc phòng. Sự kết hợp đó được thể hiện tập trung trong chính sách “ngụ binh ư nông”. Đó là một chính sách được đề ra từ những triều đình đầu tiên của kỷ nguyên nước Đại Việt độc lập tự do, và được duy trì, bổ sung, hoàn chỉnh trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
“Ngụ binh ư nông” là một chính sách lớn. Căn cứ vào tên đặt cho chính sách đó và những nội dung, việc làm mà ngày nay ta được biết qua các trang sử cũ, thì có thể hiểu đó là chính sách có ý nghĩa chỉ đạo, có ý nghĩa nguyên tắc trên nhiều phạm vi. Từ phạm vi chiến lược thuộc quốc tế, đến phạm vi chỉ đạo cụ thể việc tổ chức, quản lý, nuôi dưỡng, sử dụng quân đội thường trực trong thời bình. Có thể hiểu “ngụ binh ư nông” là một quốc sách, nhằm giải quyết nhiệm vụ xây dựng đất nước và củng cố lực lượng quân sự trong thời bình, giải quyết quan hệ giữa xây dựng kinh tế với quốc phòng. Cũng có thể hiểu “Ngụ binh ư nông” là gửi binh lính ở nông thôn khi quốc gia vô sự.
Để có thể hiểu được sâu và đầy đủ về chính sách “ngụ binh ư nông”, một điều hết sức cần thiết là tìm hiểu cơ sở xã hội, điều kiện lịch sử xã hội của nó. Theo chúng tôi, điều kiện lịch sử xã hội cần thiết tìm hiểu là nền văn minh Việt Nam cổ đại, một nền văn minh nảy sinh và phát triển trên một quốc gia đất không rộng, người không đông, một nước nhỏ so với những kẻ thù xâm lược lâu đời, là giai cấp phong kiến thống trị trên một nước đất rộng, người đông. Nền văn minh đó, do những tất yếu lịch sử, đã điều chế ra chính sách đó.
Nền văn minh cổ truyền Việt Nam xây dựng trên nền tảng kinh tế nông nghiệp, lấy trồng trọt làm chính, và trồng trọt lấy trồng lúa làm chính, có kết hợp với thủ công nghiệp, chăn nuôi, đánh cá và nuôi cá… Những gia đình tiểu nông nằm trong những xóm làng, những pháo đài xanh, với lũy tre bao bọc, là những đơn vị xã hội cơ bản của văn minh và nhà nước. Nông thôn là khung cảnh địa lý, kinh tế, xã hội cơ bản của đất nước Việt Nam thời cổ đại và trung cổ. Trai tráng ở nông thôn, là lực lượng chủ yếu cung cấp cho các đạo quân Việt Nam những chiến sĩ yêu nước, kiên quyết chiến đấu bảo vệ ruộng nương, mảnh vườn, mái tranh, xóm làng và đất nước…
Dựa vào nguồn nhân lực ở nông thôn, gắn chặt vào nông thôn, các đạo quân Việt Nam thời đó đã thấy sức mạnh lớn lao của một quân đội gắn bó với nông thôn. Đó là sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của các đạo hùng binh Việt Nam trong chiến tranh giữ nước. Một yếu tố khác của nền văn minh cổ đại, có tác dụng trực tiếp đến việc ra đời của chính sách “ngụ binh ư nông”, là sự tổ chức chính trị, trong đó có tổ chức quân sự. “Cái mối liên hệ công cộng của xã hội văn minh là Nhà nước”(F.Ăngghen – Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước – NXB Sự thật, H, 1961, tr267). Mỗi nền văn minh lựa chọn một kiểu hợp quần, một kiểu tổ chức Nhà nước, với một bộ máy quân sự và một lề lối tiến hành chiến tranh tương ứng…
“Lưu vực sông Hồng là quê hương buổi đầu của dân tộc ta” (Phạm Văn Đồng). Nước ta, từ khi thành lập cho đến nay là một nước nhỏ, dân ít. Ấy thế mà dân tộc đấy đã phải đương đầu với đội quân xâm lược Tống, Minh có từ 10 đến 20 vạn, đội quân xâm lược Tần, Nguyên có đến 40-50 vạn. Để chiến đấu và chiến thắng, không có cách nào khác là phải phát động toàn dân khởi nghĩa và tiến hành chiến tranh nhân dân, và phải “vừa cày ruộng, vừa đánh giặc”. Do vậy cần phải cân đối giữa lực lượng chiến tranh và lực lượng sản xuất, xây dựng đất nước và chiến đấu giữ nước. .
Từ yêu cầu đó của thực tiễn, tổ tiên ta đã đi tới một tổ chức quân sự vừa đáp ứng được nhiệm vụ giữ nước, vừa thỏa mãn được nhu cầu làm ruộng, sản xuất ra lương thực. Phải có binh, đồng thời không vì binh mà để ảnh hưởng không tốt đến việc làm ruộng. Thế rồi từng bước qua thực nghiệm, chính sách “ngụ binh ư nông” ra đời. Cho nên đó là chính sách vì binh, mà cũng vì nông. Có thể nói, đây cũng là một sự kết hợp quốc phòng với kinh tế ngay trong tổ chức quân sự.
Tuy vậy, do tài liệu còn thiếu thốn và rời rạc, việc tìm hiểu về vấn đề kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng của tổ tiên ta có nhiều khó khăn. Cho nên, dựa vào nhiều hiện tượng lịch sử, chúng tôi nêu lên một số nét để hình dung cụ thể về vấn đề đó.
Thời Hùng, dân Lạc là dân làm ruộng, đánh cá. Chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ đã xuất hiện một đội quân thường trực. Trong vầng dương của buổi bình minh còn đượm màu huyền sử, ta chỉ biết thời bình thì dân làm ruộng, thời chiến thì cầu hiền tài ở các bản làng, dân ứng nghĩa tụ tập ở ven rừng, cử người tuấn kiệt lên làm tướng. Quân lính, thì mới hôm qua còn là người cầm cuốc vỡ nương, cầm vồ đập đất, người câu cá bên bờ sông, đầm, kẻ cầm giáo, vác cung đi săn trong rừng, thậm chí cả những chú bé chăn trâu cầm khăng đi chơi nghịch, cầm roi tre xua đàn gia súc. Chất phác, giản dị, “chính sự dùng lối tết nút thừng để ghi nhớ sự việc” (Đại Việt sử lược). “Vua vẫn cùng dân đi cày như ông Nghiêu ông Thuấn” (Ngô Thì Sĩ), thì tổ chức quân sự và quốc phòng chưa thể có gì là phức tạp.
Mãi đến thời Âu Lạc (nửa sau thế kỷ III trước CN), mới thấy sử chép vua An Dương sai đắp thành Cổ Loa, tướng quân Cao Lỗ huấn luyện một vạn quân sĩ trên tổng số khoảng nửa triệu dân, là một tỷ lệ hợp lý. Dựng một cái thành, với vài triệu mét khối đất đào đắp (ước tính trên diện tích còn lại), phải huy động 5,6 triệu ngày công (lại còn đắp rồi lại đổ). Dân ít, phải hàng chục năm mới có thể hoàn thành. Đắp thành giữa đồng bằng châu thổ, trong bối cảnh một nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước, giữa một vùng còn úng lầy và một thiên nhiên nhiệt - ẩm, nhiều lũ lụt, bên bờ một dòng chảy lớn của hệ thống sông Hồng, thì đắp thành cũng là trị thủy, lũy thành cũng là đê. Vòng lũy ngoài của hệ thống phòng thủ Cổ Loa rõ ràng cũng là đê sông Ngũ huyện Hoàng Giang – con đê ở huyện Phong Khê, mà sử sách đời Hán đã ghi lại. Cũng y như vòng ngoài Loa thành. Đại La thành của kinh thành Thăng Long đời Lý – Trần – Lê, cũng là đê sông Nhị với những chi lưu Tô Lịch, Kim Ngưu… Huy động quân dân đắp thành, cũng đồng thời là đắp đê phòng lũ, đó là một nét đặc sắc của công cuộc kết hợp kinh tế với quốc phòng của Âu Lạc, Đại Việt cổ truyền…
Một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, tuy mất nước mà vẫn còn làng… và còn dân, nên vẫn có cơ sở tổ chức, huy động quân nghĩa mà chiến đấu. Bà Trưng, bà Triệu, Phùng Hưng hay ba cha con họ Khúc, khi dựng binh thì trước hết là tập hợp người nhà, anh chị em, chồng con, rồi đến người trong họ, trong làng… trước khi khởi nghĩa lan tràn ra cả nước. Nước không phủ định làng, làng không phủ định họ, họ hàng – làng – nước xoắn xuýt với nhau trong làm ăn, cũng như trong đánh giặc. Theo sử chép thì hồi đó có tổ chức tông binh (lính người cùng họ). Ngay trong quân đội đời Trần, cấm quân vẫn được phiên chế vào các “vệ”, các “đồ”, các “quân”, mỗi đơn vị bao gồm những người lính cùng làng, hay cùng miền và tổ chức ấy có ý thức để kết hợp việc quân với việc nông, như sau này ta sẽ rõ.
Trước khi theo bà Trưng khởi nghĩa, nữ tướng Lê Chân rời bỏ miền quê cũ dưới chân rặng núi Đông Triều, đem một số dân làng đi khai hoang miền hải tần bãi biển hoang vu, lập nên làng xóm mới (trang An Biên, khu phố Lê Chân, Hải Phòng ngày nay), vừa là náu mình chờ thời cơ giết giặc, vừa là xây dựng hậu phương căn cứ mới, có cơ sở kinh tế vững vàng… Cũng vậy, sau khi đại cục nước Vạn Xuân vừa nhen nền tự chủ của Lý Nam Đế đã vỡ, vị tướng trẻ Triệu Quang Phục, từ năm 546, đem hơn 1 vạn quân còn lại về bãi Màn Trò, giữa một vùng trời nước mênh mang, lau sậy um tùm, ngày ngày khai hoang đất nổi giữa vùng đất Dạ Trạch (Khoái Châu – Hải Hưng), binh lính cũng là nông dân, ngày cầm cầy cuốc làm ăn, đêm rẽ thuyền độc mộc đánh các đồn địch lẻ, như thế bảo là làm kế “trì cửu” (đánh lâu dài). Dạ Trạch là một điển hình sơ khởi của công cuộc xây dựng căn cứ địa, dân cũng là binh, vừa làm ăn vừa đánh giặc, đánh du kích, đánh lâu dài và cuối cùng thắng lợi…
Từ thế kỷ X, nước nhà giành được độc lập lâu dài, tổ chức quân đội của Nhà nước phong kiến cần phải được xây dựng thành quân đội có quy củ, phép tắc, điển chương. Nó cần có chính sách rõ ràng. Chính sách “ngụ binh ư nông” của nhà nước phong kiến dân tộc ra đời và dần dần định hình rõ nét. Hay nói cách khác, việc kết hợp quốc phòng với kinh tế đã được dần dần xác lập chính thức.
Sử vẫn ghi: Đại thắng Đinh Hoàng Đế năm 974 tổ chức quân thập đạo, theo nguyên tắc thập tiến: mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Theo tổ chức đó thì số quân đến 1 triệu. Khó có thể xem đó là số quân của quân thường trực. Song có thể hiểu với tinh thần của chính sách “ngụ binh ư nông”, thì đó là tổng số quân bao gồm cả quân thường trực và số quân đội làm ruộng là chính và khi cần là binh.
Song dù số quân là bao nhiêu, nhưng chính sách “ngụ binh ư nông” để kết hợp quốc phòng và kinh tế, đã đưa lại hiệu lực quốc phòng mạnh mẽ. Quân đội ấy đã chống Tống, phạt Chiêm thắng lợi. Khi đất nước đã ra khỏi tình trạng chiến tranh (sau năm 982), thì các vua Tiền Lê – từ Lê Hoàn đến Long Đĩnh, đều huy động quân sĩ cùng dân tham gia một số công việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, đặc biệt là công việc bảo đảm và phát triển giao thông vận tải, như đóng thuyền, đào sông, đắp đường quốc lộ, có năm huy động đến 5000 lính của Châu Hoan (Nghệ Tĩnh), đi sửa sang đường đất từ Nghệ Tĩnh đến giáp đèo Ngang…
Sang thời Lý, thì đường lối “ngụ binh ư nông” đã đi vào quy chế.
Việc kết hợp quốc phòng với kinh tế trong bản thân tổ chức quân thường trực, được quy định thành phép tắc, điển chương. Việc sử dụng binh cho thời chiến cũng dựa theo nguyên tắc đó.
Quân đội thời Lý, ngoài số cấm quân thường trực bảo vệ Thăng Long, có khoảng 3200 người, còn số quân đội đóng ở các châu, lộ do các quan trấn thủ chỉ huy, không có số nhất định, gọi là sương quân , quân của các vương hầu quý tộc và quân của tù trưởng miền núi, gọi là thổ binh. Trong chiến tranh với Chiêm Thành, quân số huy động là 3 vạn, trong chiến tranh chống Tống, quân số được huy động cao nhất là từ 6 đến 10 vạn người trong số dân 3-4 triệu. Nhà Lý thi hành “Luật nghĩa vụ quân sự” dân đinh đến 18 tuổi, phải dăng ký tên vào sổ bìa vàng – Hoàng sách, nên hạng đinh này gọi là hoàng nam. Đinh trên 20 tuổi gọi là đại hoàng nam. Cấm quân có số nhất định, tuyển các đại hoàng nam khỏe và giỏi võ sung vào, còn quân các địa phương không có số nhất định. Ba đoạn sử trích sau đây minh họa rõ chính sách “ngụ binh ư nông” thời Lý:
An Nam chí lược (một bộ sử đời Trần) chép: “Quân không có số nhất định. Người dân nào đến tuổi cũng phải đăng lính, nhưng hàng tháng họ vẫn được thay nhau về làm ruộng.”
Lĩnh ngoại đại đáp (sách viết đầu thế kỷ XII, ngang thời Lý) chép cụ thể hơn: “Binh lính một tháng một lần thay nhau nghỉ, để cày cấy tự cấp. Hàng năm vào ngày mồng 7 tháng giêng, mỗi người lính được phát 300 đồng tiền, 1 tấm lụa, mỗi tháng mỗi người lính được phát 10 bó lúa”.
Đại Việt sử ký (Ngô Thì Sĩ) chép: “Lúc chinh phạt thì cất quân giao cho các tướng. Nếu quân không đủ thì lấy dân đinh mà dùng. Việc xong lại trở về cày ruộng.”
Đời Trần cũng vậy, thời bình, số quân cấm vệ và quân các lộ không đầy 10 vạn người (Lịch triều hiến chương loại chí, Binh chế chí): chỉ trong kháng chiến chống Nguyên mới huy động đến 20 vạn, ấy là kể cả quân dội riêng của các vương hầu. Tinh thần của chính sách quân sự là “lúc có việc thì toàn dân là lính (Cương mục)”. Việc lấy quân không có số nhất định, chỉ chọn dân đinh nào khỏe mạnh thì lấy “khi không có việc thì trở về làm ruộng” (An Nam chí lược).
Khi xưa, người không nói là “đi lính” mà nói là “đi phiên”. Phiên đọc trạnh thành “phen”. Tiếng Việt có từ “phu phen”. Phu là người dân đi làm lao dịch cho Nhà nước, phen là đi lính, vì cắt phiên nhau. Kẻ tại ngũ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, kẻ về nhà làm ruộng, hết tháng lại đổi phiên, gọi là “thay phiên”. Sử nhà Trần đã ghi lại được một câu hát trong trò múa rối thời Trần Thái Tông: “chóng đến ngày mồng một thay phiên”. Lối “ngụ binh ư nông”, gửi quân sĩ ở nông nghiệp, nông thôn theo lối cắt lần, cắt lượt như vậy rất có tác dụng:
Mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh, đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự.
Mọi đinh tráng đều được huấn luyện quân sự, đều có những kiến thức tối thiểu về võ nghệ. Đó là một xã hội trọng võ điển hình, làm nền cho tinh thần thượng võ và truyền thống thượng võ Việt Nam.
Thời bình, ngoài một số ít quân thường trực, mọi đinh tráng đều là quân dự bị, khi cần điều động là có ngay và ai nấy đã biết rõ quân ngũ của mình.
Quân lính thay phiên nhau về làm ruộng, ngoài việc bình đẳng về nghĩa vụ quân sự, lại giảm bớt được chi phí quốc phòng và điều quan trọng là, thực hiện được sự cân đối giữa lực lượng sản xuất và lực lượng quốc phòng. Sản xuất nông nghiệp – nền tảng của nền kinh tế quốc dân, được bảo đảm, sức lao động ở nông thôn không bị thiếu. Lại bảo đảm bình thường hóa được sinh hoạt vợ chồng, sinh hoạt của những gia đình tiểu nông, tế bào của nền kinh tế phong kiến như Mác nói.
Cuộc kháng chiến của cha con Hồ Quý Ly thất bại (1407), giặc Minh xâm lược và đô hộ nước ta (1407 – 1427). Các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra và cuối cùng quy tụ vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427). Từ một đội nghĩa quân ban đầu không quá 2000 người, đến chặng cuối của cuộc chiến tranh giải phóng, quân đội yêu nước của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã lên tới 35 vạn người (Toàn thư; Cương mục). Để nuôi dưỡng và phát triển đạo quân ấy một đạo quân nông dân yêu nước, ngoài việc đóng góp của nhân dân cả nước, đạo quân ấy đã từng bước trưởng thành và lớn mạnh theo phương châm “vừa cày ruộng, vừa đánh giặc” (Nguyễn Trãi).
Dưới triều Lê, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trong tổ chức quân sự, đã được thực hiện bằng một hình thức, biện pháp cao hơn. Ngoài việc tiếp tục gửi binh nơi đồng ruộng, quân đội còn trực tiếp làm ruộng. Thời Lê số quân thường trực có 10 vạn. Vua Lê đã chia thành 5 phiên, cứ lần lượt thay nhau một phiên “lưu ban” (như nay gọi là thường trực), còn 4 phiên về làm ruộng. Thế là số quân thường trực thực chất chỉ còn 2 vạn. Chính sách “ngụ binh ư nông” ngày càng được thực hiện triệt để và mở rộng. Năm 1466, chia số quân làm 2 ban, cứ lần lượt thay nhau một nửa tại ngũ, một nửa về làm ruộng. Đến cuối thế kỷ XV thì lính coi ngục và lính nấu bếp, cũng được luân lưu thay phiên về làm ruộng.
Biện pháp tổ chức triển khai của chính sách này cũng ngày càng hoàn thiện. Buổi đầu thời Lê mỗi khi cần bổ sung quân đội, hay điều động thêm dân ra lính, thì triều đình thường phái các quan đại thần về các địa phương (đạo), để tuyển binh. Các loại được miễn quân dịch là: Con quan từ lục phẩm trở lên. Giám sinh Quốc tử giám Nô tỳ (đầy tớ nhà quan). Gia đình có 3 đinh tráng trở lên, thì được miễn một người. Còn tất cả các hạng đinh tráng đều phải đăng lính. Năm 1470, Lê Thánh Tông quy định việc tuyển lính làm cùng một lần với điều tra số dân, lập sổ hộ tịch. Cứ 3 năm, sửa lại hộ tịch một lần gọi là tiểu điền. Cứ 6 năm, làm lại hộ tịch một lần gọi là đại điền. Triều đình điều quan đại thần về các địa phương lập các trường tuyển, duyệt nhân khẩu. Trừ các hạng chức sắc, quan lại, còn dân đinh từ 18 tuổi trở lên đều phải đăng ký hộ tịch, chia làm các hạng tráng, quân, dân, lão, cố, cùng. Hạng tráng phải tòng quân ngay. Hạng quân là một loại quân dự bị, cho ở nhà làm ruộng, khi cần điều động mới phải tòng ngũ… Gia đình nào có 3,4 suất đinh, thì một người sung vào hạng “tráng”, một người vào hạng “quân”, còn lại vào hạng “dân”. Gia đình nào có 5-6 suất đinh, thì 2 người sung vào hạng “tráng”, một người sung vào hạng “quân”, còn lại vào hạng “dân”…
Như vậy quân thường trực thời Lê Thánh Tông chừng 8 vạn (trong hơn 80 vạn suất đinh), nhưng quân hậu thì khá đông: năm 1471 có chiến tranh với nước ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn, Lê Thánh Tông đã huy động một số quân thủy, bộ 25 – 30 vạn một cách dễ dàng. Quân thường trực thì thường xuyên luyện tập có diễn tập hàng năm và có khảo hạch võ nghệ quân sĩ 3 năm một lần. Quân hậu bị thì chỉ đăng ký tên vào sổ quân, ngày thường ở nhà làm ruộng, đóng sưu nộp thuế. Chỉ khi có chiến tranh hay khi quân thường trực hao hụt, thì nhà nước chiếu sổ gọi tòng quân.
Những người bị điều động vào công việc khẩn hoang, lập đồn điền cho Nhà nước (thời Hồng Đức năm 1481 có cả thảy 43 sở đồn điền), cũng được tổ chức thành đội ngũ như quân sĩ, gọi là đồn điền binh hay thực điền binh, triều đình cử các viên đồn điền sứ cai quản họ. Có sở làm ruộng, sở nuôi tằm, sở chăn nuôi gia súc…
“Ngụ binh ư nông” vừa là đường lối quân sự, vừa là tổ chức quân sự. “Ngụ binh ư nông” là nhằm và để kết hợp được, giữa chính sách xem binh là việc lớn của nước, với chính sách trọng nông. Đường lối ấy, tổ chức ấy xuất phát từ một nền văn minh nông nghiệp, từ thực tiễn của một dân tộc nông dân. “Dĩ nông vi bản”, “ngụ binh ư nông” bảo đảm thế quân bình giữa kinh tế và quốc phòng, giữa lực lượng sản xuất và lực lượng chiến đấu, bảo đảm mối quan hệ hỗ tương giữa tiền phương và hậu phương trong chiến tranh giữ nước, bảo đảm sự hiện diện của một quân đội thường trực tinh thông võ nghệ, sẵn sàng chiến đấu, kết hợp với một lực lượng hùng hậu quân hậu bị đông đảo, dễ dàng huy động. “Ngụ binh ư nông” đã phát huy tác dụng tích cực, trên suốt chặng đường hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nguồn : GS TQV


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ÁM THỊ VÀ ĐỒNG NHẤT HÓA, NHỮNG CƠ CHẾ TÂM LÝ XÃ HỘI DỄ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG

“TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CUỘC ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

Ông Bùi Tín không thể xuyên tạc lịch sử