QUAN NIỆM VỀ NIỀM TIN XÃ HỘI

Niềm tin là biểu hiện cao nhất và phức tạp nhất của thế giới quan, là một đặc trưng của nhân cách, thực hiện chức năng định hướng, thúc đẩy kích thích trực tiếp con người hành động. Niềm tin thực sự là động cơ chi phối mạnh mẽ đến quá trình phát triển nhân cách, là nền tảng của toàn bộ đời sống tâm lý cá nhân. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Niềm tin là hệ thống kiến thức quan điểm về tự nhiên, xã hội, con người được chủ thể trực tiếp trải nghiệm và xác định tính đúng đắn, chân thực của chúng, tự mình mong muốn thực hiện chúng trong cuộc sống, thành điểm tựa tinh thần của mỗi người. Niềm tin được hình thành trong giao tiếp, trong quan hệ xã hội, trong cuộc đấu tranh với những quan điểm trái ngược và chống lại niềm tin đó, niềm tin thực sự bắt đầu hình thành từ tuổi thiếu niên đến tuổi thành niên” [3, tr.276].
Niềm tin xã hội là một lĩnh vực đặc biệt của ý thức, liên hệ mật thiết với sự hiểu biết về thế giới khách quan, tồn tại trong từng con người và xã hội nhằm phản ánh thế giới khách quan. Niềm tin xã hội được hiểu là sự thừa nhận một tính chân lý của xã hội. Do vậy, niềm tin xã hội có vai trò quan trọng không chỉ đối với cuộc sống của mỗi con người mà quan trọng hơn cả là sự phát triển vững chắc của xã hội. Niềm tin xã hội chỉ được hình thành và phát triển khi những thể chế, quan điểm, chính sách của chế độ phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Niềm tin xã hội là thành tố cấu thành sự ổn định vững bền của xã hội - một yếu tố cùng với kinh tế, văn hóa,… hướng đến phát triển bền vững của đất nước. Niềm tin xã hội được xem như là niềm tin vào những sự kiện xã hội, tức là nó là biểu hiện của cá nhân, nhưng lại bị “cái xã hội” quy định, và do đó, niềm tin xã hội không thể đặt ngoài các quan hệ xã hội. Niềm tin xã hội như một giá trị xã hội nhưng gắn với quan hệ xã hội, đặt trong bối cảnh của một xã hội tổng thể với sự tham gia vào mạng lưới xã hội để tạo thành sự ổn định vững bền của xã hội.
Niềm tin xã hội chính là việc kỳ vọng những vai trò xã hội đó có được thực hiện đúng theo những chuẩn mực xã hội hay không. Niềm tin xã hội giống với giá trị xã hội ở chỗ, niềm tin xã hội cũng là một thước đo để đánh giá vai trò xã hội có được thực hiện đúng như kỳ vọng hay không. Nếu niềm tin xã hội cao thì có nghĩa các cá nhân đang thực hiện đúng vai trò của mình theo những chuẩn mực xã hội. Niềm tin xã hội được nhìn nhận từ chiều cạnh của một “sự kiện xã hội”, gồm những tính chất đặc biệt, đó là: Nó nằm bên ngoài ý thức cá nhân; tính cưỡng chế từ bên ngoài của sự kiện xã hội, hay cá nhân được tạo nên bởi xã hội, chứ không phải xã hội được tạo nên bởi cá nhân. Do vậy, niềm tin xã hội bị ảnh hưởng bởi chính đặc điểm của cộng đồng và xã hội, có vai quan trọng của với đoàn kết xã hội, tham gia xã hội cũng như giúp ổn định trật tự xã hội. Niềm tin xã hội luôn được coi là trọng tâm, và đặc biệt quan trọng để hình thành và phát triển sự ổn định của xã hội.
Niềm tin xã hội là một phẩm chất nhân cách được tạo nên từ sự hòa quyện hữu cơ giữa tri thức, tình cảm và ý chí của cá nhân. Mỗi yếu tố có một chức năng và vai trò nhất định trong cấu trúc niềm tin xã hội, trong đó, tri thức là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vì, trước hết để tin vào điều gì đó của xã hội thì chủ thể phải có nhận thức về nó. Do vậy, tri thức của mỗi người sẽ là những viên gạch đầu tiên xây dựng nên lâu đài niềm tin xã hội. Sự nhận thức càng sâu sắc thì càng có cơ sở để xây dựng niềm tin vững chắc. Tri thức là kết quả của nhận thức. Nhận thức là một quá trình; là hoạt động phản ánh hiện thực khách quan, phản ánh thực tiễn. Nếu căn cứ vào tính chất thì sự phản ánh này bao gồm hai giai đoạn lớn: nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác) và nhận thức lý tính (tư duy, ngôn ngữ, tưởng tượng). Toàn bộ những tri thức mà chủ thể tiếp thu được ở giai đoạn nhận thức cảm tính cũng được sử dụng để xây dựng niềm tin xã hội. Nhưng nếu niềm tin xã hội chỉ xây dựng trên cơ sở nhận thức cảm tính thì thiếu vững chắc, dễ thay đổi. Bởi vì, đây là giai đoạn đầu trong toàn bộ hoạt động nhận thức của con người. Do vậy, dù rằng nhận thức cảm tính đã cho chúng ta hiểu biết tương đối trọn vẹn về đối tượng, nhưng những tri thức cảm tính chỉ phản ánh được những thuộc tính bên ngoài, cụ thể của các sự vật, hiện tượng đang tác động trực tiếp vào các giác quan của con người. Hạn chế lớn nhất của những tri thức cảm tính là chưa cho chủ thể hiểu biết sâu sắc được cái bên trong, cái bản chất, cái quy luật của các sự vật, hiện tượng.
Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình chính trị thế giới, CNTB đã điều chỉnh để tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển mạnh ở một số lĩnh vực. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, chúng ta thấy CNTB đang phát triển rất mạnh, đang thắng thế trên toàn toàn cầu. Trong khi đó, CNXH với tư cách là hệ thống đã tan rã, mô hình thì vẫn đang tìm kiếm. Hiện thực này thật sự đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin xã hội và gây ra sự hoài nghi của không ít người về con đường đi lên của cách mạng Việt Nam.
Nhưng với tri thức của giai đoạn nhận thức lý tính có đặc điểm quan trọng là phản ánh được cái bên trong, cái bản chất, các mối liên hệ có tính qui luật của sự vật, hiện tượng chúng ta sẽ có cơ sở khoa học để củng cố niềm tin vào con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Tri thức lý tính cho ta niềm tin xã hội vững chắc rằng CNTB bản đang trong giai đoạn phát triển, nhưng không phải sẽ tồn tại mãi mãi, nhất định sẽ có ngày bị diệt vong. Bởi vì, bất cứ sự vật nào cũng có quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong. Đó là quy luật. Hơn nữa, đó cũng chưa phải là xã hội tốt nhất trong toàn bộ nấc thang phát triển của loài người. Việc đất nước ta còn kém phát triển đã bị một số người lầm tưởng đổ cho CNXH. Đó là sự ngộ nhận; con đường này - con đường lên CNXH chưa từng có trong lịch sử phát triển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém cũng như sự đổ vỡ của hệ thống XHCN, nhưng suy đến cùng lỗi là do con người chứ bản thân CNXH không có lỗi, càng không phải là bản chất của nó. Chúng ta vừa đi, vừa khai phá, vừa xây dựng nên có mắc khuyết điểm là điều khó tránh khỏi.
Từ sự phân tích trên, một lần nữa có thể khẳng định rằng, nhận thức của chúng ta phải đạt tới trình độ nhận thức lý tính thì niềm tin đó mới có cơ sở khoa học, và như thế thì niềm tin xã hội mới vững chắc. Niềm tin xã hội là một dạng cụ thể trong hệ thống niềm tin của con người, nó được hình thành từ chính sự hiểu biết và chính trong thực tiễn hoạt động của xã hội, song nó lại được biểu hiện ra trong cuộc sống hàng ngày, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Niềm tin xã hội còn được thể hiện ở thái độ, tình cảm của con người đối với xã hội. Đó là lòng trung thành, tinh thần tin yêu đối với Đảng, nhà nước, nhân dân. Niềm tin xã hội đó giúp mỗi người nêu cao ý thức trách nhiệm, tự đòi hỏi cao đối với mình, với người khác, đồng thời tích cực đấu tranh phê phán những hành động tiêu cực làm ảnh hưởng tới lợi ích của xã hội, đất nước. Trên cơ sở nhận thức, tình cảm đúng đắn, mỗi người phát huy tối đa sức lực và trí tuệ của bản thân để vượt qua gian khổ, khó khăn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có thể khẳng định rằng, thực hiện được những nhiệm vụ đó cũng có nghĩa là chúng ta đã trực tiếp tạo nên cơ sở thực tiễn - tiền đề quan trọng để xây dựng, củng cố và phát triển niềm tin xã hội trong quần chúng nhân dân. Thực tiễn cho thấy, niềm tin xã hội của nhân dân sẽ giảm sút khi các vấn đề xã hội không ổn định như: nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và không phát triển, các lĩnh vực liên quan đến sự phát triển con người, như lao động và việc làm, thu nhập và mức sống, giáo dục và y tế, đạo đức và văn hoá, an ninh và an toàn xã hội của đời sống cá nhân và cộng đồng ... không được cải thiện và nâng cao. Vì vậy, Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc phát triển kinh tế - ổn định xã hội là cơ sở xây dựng, củng cố niềm tin xã hội cho nhân dân. Như mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XII chỉ rõ “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân” [ 5. tr. 271].
Một yêu cầu cấp bách đối với xã hội ta hiện nay là phải có tầm nhìn mới về những thời cơ và thách thức đối với công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá. Cụ thể là, phải có những quan điểm khoa học về thế giới, về quy luật phát triển chung của thế giới, về con đường nhận thức và biến đổi thế giới (thế giới quan khoa học) để thay thế cho những quan điểm của thế giới quan phản khoa học hoặc chưa khoa học hiện vẫn còn tồn tại trong đời sống tinh thần của một bộ phận đáng kể quần chúng nhân dân, nhất là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn vậy, cần “đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Đảng ta đã khẳng định rằng, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, “tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”, là “nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” của Đảng và nhân dân trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, cùng với những thành tựu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận vững chắc để chúng ta xây dựng và củng cố niềm tin xã hội. Bởi vậy, việc tiếp tục giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng -lý luận, là cơ sở cho nhận thức xem xét các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Niềm tin xã hội là một bộ phận của ý thức con người, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tác động mạnh đến hoạt động của con người và xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ trước đến nay cho thấy, Đảng ta luôn nhận thức đúng vai trò của niềm tin xã hội, luôn quan tâm tới việc xây dựng, củng cố và phát triển niềm tin khoa học trong nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng niềm tin xã hội cho nhân dân phải được tiến hành đồng bộ, gắn liền với nâng cao dân trí, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu kinh tế với xã hội, phải giáo dục thế giới quan và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt cho mọi người dân là vấn đề cốt lõi cho việc hình thành niềm tin xã hội vững chắc mà trước hết là niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Trần Tỉnh Sáng
          Tài liệu tham khảo
1. A.V.Xu.Khômlinxki (1978), Hình thành niềm tin cộng sản cho thế hệ trẻ, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
2. Nguyễn Ngọc Phú (1995), "Những vấn đề tâm lý trong giáo dục hình thành
thế giới quan, niềm tin khoa học cho quân nhân". Tâm lý học quân sự, Nxb
QĐND, Hà Nội.
3. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2003), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
4. Nguyễn Quý Thanh, Nguyễn Thị Khánh Hòa (2013), “Các yếu tố ảnh hưởng đến lòng tin xã hội của người Việt Nam”, Tạp chí  Nghiên cứu con người (3), tr.10-26

5. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương đảng, Hà Nội 2016.

Nhận xét

  1. Bài viết trên đã luận giải một cách sâu sắc niềm tin xã hội trên cơ sở khoa học đó là sự hoà quyện của ba thành tố giữa tri thức, tình cảm và ý chí. Đòi hỏi mỗi chúng ta cần xây dựng niềm tin khoa học cho bản thân mình. Đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn...

    Trả lờiXóa
  2. tôi tin vào Đảng, vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ÁM THỊ VÀ ĐỒNG NHẤT HÓA, NHỮNG CƠ CHẾ TÂM LÝ XÃ HỘI DỄ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG

“TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CUỘC ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

Ông Bùi Tín không thể xuyên tạc lịch sử