“KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM” KHÔNG LÀ KHÁI NIỆM MƠ HỒ
Nobita(ST)
Trên cơ sở
phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn 15 năm đổi mới đất nước, Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN) đã khẳng định: “Chủ trương xây
dựng và phát triển nền kinh tế thị trưòng định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện
tư duy, quan niệm của Đảng ta về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất
và trình độ của lực lượng sản xuất. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta
trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”.[1]
Nhận định này có giá trị chiến lược hết sức quan trọng. Nó không chỉ mang ý
nghĩa về mặt khoa học mà còn là một định hướng rất cơ bản cho sự phát triển của
nước ta trong quá trình đổi mới. Hơn nữa, nó còn là cơ sở để đi đến sự thống
nhất về nhận thức, quan điểm, đường lối, mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN.
Không phải ngẫu nhiên mà Đảng
CSVN rút ra được nhận định chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng này. Đó
chính là kết quả của quá trình phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn của
Đảng trong nhiều năm lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, có cả
những thành công và thất bại, có cả những bài học kinh nghiệm quý báu của các
nước trên thế giới mà Đảng CSVN đã lựa chọn tiếp thu. Qua mỗi kỳ Đại hội, nhận
thức của Đảng CSVN về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng
được sáng tỏ hơn, được bổ sung, phát triển và không ngừng hoàn thiện, ngày càng
phản ánh đúng thực tế khách quan và quy luật vận động của đất nước trong tiến
trình đổi mới và phát triển.
Nhờ những đổi mới có tính chất
bước ngoặt về tư duy, đặc biệt về tư duy kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng
CSVN, công cuộc đổi mới đất nước đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa như Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng CSVN đã đánh giá: “Đất nước ra
khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước
đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc
tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an
ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và
đời sống nhân dân có nhiều thay đổi,…”.
Từ những thành tựu của 30 năm đổi
mới, cùng với những nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong quá trình đổi
mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng CSVN tiếp tục nhất quán chủ trủ trương phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những tưởng rằng, sự đúng đắn
của chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam đã được kiểm nghiệm qua thực tế với những thành tựu to lớn trong 30 năm qua,
là không thể bàn cãi. Ấy vậy mà, hiện nay trên một số trang mạng xã hội vẫn còn
một số người tuyên truyền các luận điệu hồ nghi rằng: có hay không có mô hình
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa chỉ là khái niệm mơ hồ, thị trường và chủ nghĩa xã hội là hai
khái niệm không thể trộn lẫn, chủ nghĩa xã hội không dung nạp kinh tế thị
trường v.v..
Đó là những ý kiến không những sai lầm về mặt khoa học mà còn chứa đầy sự ác ý,
không mang tính xây dựng.
Nhìn lại lịch sử phát triển của kinh tế thị trường
trên thế giới cho thấy, kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hóa phát triển
đến giai đoạn cao; ở đó các quy luật kinh tế của kinh tế hàng hóa hoạt động
mạnh mẽ thông qua hệ thống thị trường tương đối đồng bộ và ở trình độ cao; thị
trường trở thành đặc trưng nổi bật, chi phối mãnh liệt các chủ thể hoạt động
trong nền kinh tế. Kinh tế thị trường xuất hiện trước khi chủ nghĩa tư bản ra
đời, nó còn tồn tại và phát triển cả sau chủ nghĩa tư bản, khi những cơ sở kinh
tế - xã hội cho nó tồn tại và phát triển vẫn còn. Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa tư
bản, kinh tế thị trường đạt đến đỉnh cao khi sức lao động trở thành hàng hóa.
Ngày nay, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển rất mạnh mẽ; nó xuyên
qua các quốc gia, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có
tính toàn cầu. Có lẽ, vì thế mà không ít người ngộ nhận rằng, kinh tế thị
trường là sản phẩm riêng, là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản.
Chúng ta đã
thừa nhận kinh tế thị trường còn tồn tại và phát triển khi những điều kiện
khách quan của nó là sự phân công lao động xã hội và sự độc lập về mặt kinh tế
giữa những chủ thể sản xuất, kinh doanh vẫn còn. Vậy thì, dưới chủ nghĩa xã
hội, kinh tế thị trường có còn tồn tại và phát triển không? Trong những năm
trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa, do nhận thức không đầy đủ về vấn đề
này, cùng với sự nôn nóng, duy ý chí, cho rằng, khi đã thiết lập chế độ công
hữu về tư liệu sản xuất, phân phối sản phẩm trực tiếp, thực hiện quản lý theo cơ
chế kế hoạch hóa tập trung thì sẽ không còn sản xuất hàng hoá nữa, nếu còn thì
đó cũng chỉ là những tàn dư và sớm bị xoá bỏ. Sự nhận thức sai lầm này đã được
khắc phục trong cuộc cải cách, đổi mới của Đảng Cộng sản ở một nước xã hội chủ
nghĩa. Sự thực là, dưới chủ nghĩa xã hội, phân công lao động xã hội với tư cách
là cơ sở của trao đổi hàng hóa không mất đi, trái lại ngày một phát triển cả về
chiều rộng và chiều sâu; sự chuyên môn hóa và hợp tác lao động không chỉ trong
phạm vi quốc gia mà còn được mở rộng ra phạm vi quốc tế. Và, trong nền kinh tế
xã hội chủ nghĩa còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản
xuất (sở hữu toàn dân - sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và các
hình thức sở hữu hỗn hợp khác); trong hình thức sở hữu nhà nước có sự tách biệt
tương đối giữa quyền sở hữu (thuộc Nhà nước) và quyền sử dụng tư liệu sản xuất
(thuộc tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng). Đó là cơ sở kinh
tế để cho các chủ thể sản xuất kinh doanh độc lập về mặt kinh tế, toàn quyền
chi phối sản phẩm. Do đó, những điều kiện kinh tế - xã hội để kinh tế thị
trường tồn tại và phát triển vẫn còn. Vậy thì, không chỉ có kinh tế thị trường
tư bản chủ nghĩa mà còn có cả kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam
đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên nền kinh tế thị trường chưa
hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, mà đó là nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa là gì? Nhằm giải đáp vấn đề này, Văn kiện Đại hội lần thứ XII của
Đảng CSVN đã đưa ra định nghĩa rất rõ ràng: “Nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo
các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ
nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị
trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu,
nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đồng thời, tại Đại hội lần thứ XII
của Đảng CSVN, những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội hội
chủ nghĩa ở Việt Nam đã được nhận thức rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của
lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong
đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan
trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp
tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy
động và phân bổ có hiệu quản các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để
giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định
hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình
đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực
của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh
doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng
bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong
phát triển kinh tế - xã hội[2].
Như vậy, sau 30 năm đổi mới đất nước, nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được nhận thức rõ
hơn. Tuy nhiên, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là
vấn đề mới chưa có trong tiền lệ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nên quá
trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì
việc nhận thức về nó là vấn đề tiếp tục được đặt ra, song điều chắc chắn rằng
đó không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tính định hướng xã hội
chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam sẽ ngăn chặn, không để thị
trường tự phát theo con đường tư bản chủ nghĩa, bảo đảm cho nền kinh tế phát
triển đúng hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Điều đó tạo ra sự khác biệt căn bản về chất giữa kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Một sự thật hiển nhiên là, kinh tế thị trường tư
bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu
sản xuất, thành phần kinh tế chủ yếu là kinh tế tư bản tư nhân; mục đích chủ
yếu của nền kinh tế là mang lại lợi ích cho giai cấp bóc lột. Ngày nay, trong
chủ nghĩa tư bản xuất hiện một số mô hình kinh tế thị trường khác nhau, như:
kinh tế thị trường định hướng xã hội ở một số nước châu Âu (do các Đảng xã hội
dân chủ cầm quyền) với mục tiêu điều hòa lợi ích, xoa dịu mâu thuẫn giai cấp;
kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo học thuyết Kenyes để khắc
phục khủng hoảnh kinh tế; kinh tế thị trường kết hợp với kế hoạch của nhà nước
v.v.. Tuy nhiên, các nền kinh tế thị trường đó vẫn dựa trên quan hệ sản xuất tư
bản chủ nghĩa, về thực chất vẫn là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
là nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý
của Nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu“ dân giàu, nước mạnh, công bằng,
dân chủ, văn minh”. Mặc dù còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần
kinh tế, nhưng thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước
cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế
quốc dân. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có sự quản
lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa bằng các công cụ quản lý vĩ mô, như kế hoạch,
chính sách, pháp luật,… và bằng cả sức mạnh vật chất của thành phần kinh tế nhà
nước, đồng thời sử dụng cơ chế thị trường để giải phóng sức sản xuất, phát huy
mặt tích cực, hạn chế và khắc phục có hiệu quả mặt tiêu cực của cơ chế thị trường,
bảo vệ lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Dựa trên chế độ công
hữu về tư liệu sản xuất, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam thực hiện phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng
thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh
doanh và thông qua phúc lợi xã hội.
Vì vậy, không thể nói rằng kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là khái niệm mơ hồ; kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng không có
gì khác nhau; chủ nghĩa xã hội không dung nạp kinh tế thị trường,... Nói như thế là không hiểu sự khác nhau
về bản chất kinh tế cũng như chính trị - xã hội của kinh tế thị trường tư bản
chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường có tổ chức,
có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Những quan điểm, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối phát triển kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; mọi sự nghi ngờ, phân vân
chưa tin kinh tế thị trường có thể phát triển trên cơ sở chế độ công hữu là
nền tảng, kinh tế nhà nước là chủ đạo,… là không có căn cứ khoa học./.
Nhận xét
Đăng nhận xét