ĐẢNG CỘNG
SẢN VIỆT NAM
87 NĂM CHẶNG
ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Ngày 3/2/1930, thay mặt Quốc tế cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng cộng
sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chánh
cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của
Đảng. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối đấu
tranh cách mạng, mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam-trang sử hào hùng
trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo
của Đảng.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành
lập, Đảng ta đã phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trên phạm vi cả
nước nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930. Trong phong trào đó,
chính quyền địch ở nhiều huyện, xã của Hà Tĩnh đã bị tan rã, các chi bộ đảng và
tổ chức Nông hội đỏ đã nắm, quản lý và điều hành mọi hoạt động, trấn áp bọn
phản cách mạng, thực hiện quyền dân sinh, dân chủ cho nhân dân. Từ phong trào,
khối liên minh công nông được hình thành và đã phát huy sức mạnh to lớn.
Đến
những năm 1936-1939, Đảng ta chủ trương lợi dụng khả năng đấu tranh hợp pháp,
nửa hợp pháp và phát động cuộc đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống
phát xít và chiến tranh, đòi tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình. Phong trào cách
mạng giai đoạn 1936-1939 với các hình thức đấu tranh phong phú đã thu hút được
mọi tầng lớp nhân dân tham gia, phát triển rộng cả ở thành thị và nông thôn
trong cả nước. Phong trào này đã phát triển thành cao trào cách mạng và thu
được nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá-tư tưởng.
Cao trào đấu tranh giai đoạn 1936-1939 đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh
nghiệm về xây dựng lực lượng và phương pháp cách mạng. Hai cao trào cách mạng
1930-1931 và 1936-1939 thực sự là những bước chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám
sau này.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ II
bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp cách mạng Đông Dương. Các hội nghị lần
thứ VI, thứ VII và đặc biệt là Hội nghị lần thứ VIII của Đảng (tháng 8 năm 1941) đã quyết định chuyển
hướng đấu tranh chiến lược, đặt nhiệm vụ trọng tâm chống đế quốc, giành độc lập
dân tộc lên hàng đầu. Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt
minh) được thành lập nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc đánh đuổi đế quốc
Nhật, Pháp. Khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, từ ngày 14 đến ngày 28 tháng 8
năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng khởi nghĩa nổ ra và thành công trên
cả nước. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Như vậy, chỉ mới 15 năm tuổi, Đảng đã
lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc cách mạng tháng Tám thành công. Cách mạng tháng
Tám là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại, mở ra một thời đại mới-thời đại nhân dân
Việt Nam thực sự được làm chủ và quyết định vận mệnh đất nước dưới sự lãnh đạo
của Đảng. Từ đó, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa ra
đời đã đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”. Giặc đói, giặc dốt và
những tàn dư của chế độ cũ chưa bị tiêu diệt lại ra sức hoành hành; quân Tưởng,
quân Anh và bọn phản cách mạng ra sức chống đối, và tiếp đó, thực dân Pháp âm
mưu trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Đảng ta đã khéo léo chèo lái con
thuyền cách mạng vượt qua bao ghềnh thác thử thách gian nguy, từng bước đẩy lùi
kẻ thù và các lực lượng chống đối trên mọi lĩnh vực. Trước dã tâm xâm lược của
thực dân Pháp, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ra lời kêu
gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Theo lời hiệu triệu ấy, toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ,
dựa vào sức mình là chính” chống Thực dân pháp giành thắng lợi, làm nên một
chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng vĩ
đại này không những đã kết thúc hoàn toàn gần một trăm năm đô hộ của thực dân
Pháp trên xứ Đông Dương mà còn đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực
dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Trong giai đoạn 1954-1975, Đảng ta đã sáng tạo đề ra và
thực hiện thành công đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng giải
phóng miền Nam thống nhất nước nhà-một đường lối cách mạng chưa từng có trong
tiền lệ lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong giai đoạn này, miền Bắc đã
phát triển vững vàng, thực sự trở thành hậu phương lớn chi viện mọi mặt cho
tiền tuyến lớn miền Nam, đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân
và hải quân của đế quốc Mỹ. Đồng thời, dưới
sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta ở miền Nam đã kiên cường, anh dũng chiến
đấu, lần lượt đánh bại các chiến lược: Chiến tranh Đặc biệt; Chiến tranh cục bộ
và Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ. Những chiến thắng giòn giã của quân
và dân ta trên khắp các mặt trận đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri,
chấp nhận rút quân về nước. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở cuộc tổng
tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh
lịch sử, buộc Ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Sự kiện trọng đại này
đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ròng rã 21 năm của nhân dân Việt Nam dưới
sự lãnh đạo của Đảng, từ đây hai miền Nam-Bắc xum họp một nhà.
Sau năm 1975, toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta bước vào thời kỳ cách mạng mới, thực hiện chiến lược xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đảng ta
đã tập trung lãnh đạo toàn dân, toàn quân nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề
do chiến tranh để lại, ổn định mọi mặt tình hình đất nước và tiếp tục lãnh đạo
quân và dân ta đánh bại hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới
Tây Nam. Trước tình hình kinh tế-xã hội còn muôn vàn khó khăn trong những năm
sau giải phóng, Đảng ta đã sớm nhận thấy sự không phù hợp từ cơ chế quản lý
kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Từ thực tế đòi hỏi, Đại hội Đại biểu toàn
quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từng
bước chuyển sang xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định
hướng XHCN. Khi hệ thống các nước XHCN ở Liên xô và Đông Âu tan rã, phong trào
cách mạng thế giới lâm vào thoái trào, kẻ thù tiếp tục chống phá với âm mưu xoá
bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ CNXH ở Việt Nam, Đảng ta đã vững vàng đưa
đường, chỉ lối cho nhân dân ta tiến bước. Cùng với những thành tựu quan trọng
trên các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội mà nhân dân ta đã
giành được, Đảng ta cũng có những bước trưởng thành mới cả về chính trị, tư
tưởng và tổ chức.
Những thành tựu vĩ đại của cách
mạng Việt Nam giành được trong 87 năm
qua chính là công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là thắng
lợi của quá trình xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn thể hiện vai trò tiên phong và tính cách
mạng, luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của cả dân
tộc. Chính nhờ luôn giữ vững được bản chất truyền thống cách mạng đó, Đảng ta
đã trở thành Đảng của đạo đức, văn minh, là biểu tượng của tình thương và lẽ
phải, là ngọn cờ tập hợp lực lượng, là trí tuệ của cả dân tộc, là chỗ dựa tin
cậy của nhân dân. Văn hoá Đảng luôn lan toả và thấm đượm trong lòng mỗi người
dân Việt Nam chúng ta, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết
định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 87 năm ngày
thành lập Đảng và ôn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, chúng ta
vô cùng tự hào về những thành tựu vĩ đại mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta
đã đạt được. Càng tự hào bao nhiêu về Đảng quang vinh, chúng ta càng thấy trách
nhiệm nặng nề của Đảng đối với tổ quốc, với nhân dân trong giai đoạn cách mạng
mới, từ đó xác định trách nhiệm của mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên trong việc
phấn đấu vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Nhận xét
Đăng nhận xét