Không thể phủ nhận quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

(TL) Theo thông tin từ Đài RFA, cái gọi là Hội thảo “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu” đã được tổ chức ở Viện Hudson-Hudson Institute, Washington DC. Hội thảo với mục đích được cho là sẽ “cất lên tiếng nói cho cộng đồng tôn giáo bị ngược đãi ở Việt Nam” do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam và Viện Hudson-Hudson Institute đồng tổ chức.
      Trong những năm trở lại đây, Mỹ và một số nước Châu Âu đã thông qua nhiều nghị quyết, dự luật về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống Việt Nam. Vậy nên, không quá bất ngờ khi các “đại biểu” tham luận tại Hội thảo “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu” tiếp tục có những cái nhìn sai lệch, không thừa nhận những thành tựu về tôn giáo ở Việt Nam; thậm chí còn cố tình xuyên tạc, bôi đen tình hình tôn giáo ở nước ta bằng những luận điệu đã cũ mèm như: Tôn giáo ở Việt Nam bị chính quyền và công an kiểm soát hà khắc; Các tín đồ tôn giáo thường xuyên bị hăm dọa, ngược đãi và bắt bớ; Một số tôn giáo như “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” không được thừa nhận ở Việt Nam…
      Cần khẳng định rằng, đối với Việt Nam hoàn toàn không có “vấn đề về tự do tôn giáo”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, coi đó là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và được pháp luật ghi nhận. Điều 24, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
      Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 (trong thời gian tới sẽ được thay thế bằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã quán triệt và thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Các quy định pháp lý đó không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
      Hiện nay, nước ta có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với gần 24 triệu tín đồ, 83.000 chức sắc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 25.000 cơ sở thờ tự… Qua số liệu này cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, phát triển của các tôn giáo, tồn tại cùng dân tộc lâu dài trong quá trình phát triển của đất nước. Đây là một sự thật không thể chối cãi.
      Nhà nước ta bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, để quyền tự do đó được bảo đảm thì mọi tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Nhà nước. Pháp luật sẽ nghiêm trị những kẻ lợi dụng tôn giáo để xâm phạm lợi ích cộng đồng, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân, làm mất ổn định chính trị, xã hội, ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian vừa qua, những đối tượng lợi dụng các vấn đề có liên quan đến tôn giáo để kích động chức sắc, tín đồ trong nước gây mất ANTT, chống đối chính quyền như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, Linh mục Phan Văn Lợi, Thượng tọa Thích Không Tánh…đều đã bị xử lý nghiêm minh theo các quy định của pháp luật.
      Còn về luận điệu cho rằng một số tôn giáo như “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” không được thừa nhận ở Việt Nam là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở khách quan. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định về việc công nhận tổ chức tôn giáo phải đảm bảo các điều kiện sau: “1. Là tổ chức có cùng tín ngưỡng, có giáo lý, luật lệ, lễ nghi không trái với thuần phong, mỹ tục, lợi ích của dân tộc; 2. Có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật; 3. Có đăng ký hoạt động và hoạt động tôn giáo ổn định; 4. Có trụ sở, tổ chức và người đại diện hợp pháp; 5. Có tên gọi không trùng với tên gọi của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”. Trong khi đó cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” lại hoạt động tách rời sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không những vậy, trong những năm vừa qua, một số đối tượng cầm đầu cốt cán trong tổ chức “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” như Huyền Quang, Quảng Độ, Đức Nhuận, Tuệ Sỹ, Không Tánh... nhận được sự “hà hơi tiếp sức” từ các thế lực bên ngoài ra sức lợi dụng chiêu bài tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện mục đích chống phá Nhà nước. Rõ ràng, bằng những hoạt động trái pháp luật việc tổ chức “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” không được cấp đăng ký hoạt động và công nhận tư cách pháp nhân là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
      Nói vậy để thấy, việc tổ chức Hội thảo “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Tầm quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu” là hành động không thể chấp nhận được khi đã can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam. Rõ ràng, đây là hành động sai lệch và cần phải bị lên án./.

Nhận xét

  1. Hiện nay, trên một số địa bàn ở các tỉnh, thành trong cả nước có một số "tà đạo" hoạt động trái phép. Chúng lợi dùng tín ngưỡng tôn giáo để tuyên truyền trái pháp luật, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ nhân phẩm của con người.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ÁM THỊ VÀ ĐỒNG NHẤT HÓA, NHỮNG CƠ CHẾ TÂM LÝ XÃ HỘI DỄ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG

“TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CUỘC ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

"ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG" VIỆT TÂN HÀ ĐÔNG XUYẾN LÀ ADMIN HỘI ANH EM DÂN CHỦ