Nhận diện biểu hiện “Lợi ích nhóm” và giải pháp khắc phục

Nobita091275(ST)
“Lợi ích nhóm” có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, nó có cả trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong công tác tổ chức, cán bộ nói riêng với những biểu hiện đa dạng và phức tạp. Cần sớm có chủ trương, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện này.
Khái niệm “lợi ích nhóm”
“Lợi ích nhóm” là một cụm từ, một thuật ngữ đang được nhắc đến nhiều trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đang làm cho nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các tầng lớp nhân dân quan tâm nhìn nhận, mổ xẻ dưới nhiều cách nhìn với các cấp độ, góc độ khác nhau. Lợi ích thường liên kết con người với nhau, và vì vậy phân chia ra các nhóm, giai tầng khác nhau. Chính vì thế mà có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, hay lợi ích giai cấp... Từ “lợi ích nhóm” có thể hình thành nên nhóm lợi ích, nhóm xã hội. Mặt trái của nền kinh tế thị trường làm xuất hiện ngày càng nhiều nhóm lợi ích khác nhau, các nhóm này vừa có thể có lợi ích chung, vừa có lợi ích riêng, có lợi ích tích cực, có lợi ích tiêu cực.
Như vậy, có thể hiểu lợi ích nhóm như sau: Lợi ích nhóm là lợi ích của một nhóm người liên kết với nhau, hỗ trợ nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Xét về mục đích và bản chất, lợi ích nhóm có thể chia thành lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực. Lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của một nhóm người. Việc hình thành nó là nhu cầu khách quan, chính đáng, tự nhiên trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp, nhiều nhóm người với những đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau. Còn lợi ích nhóm tiêu cực là “lợi ích” mà nhóm thu được nhằm vào các “tình huống” hay “phi vụ” nhạy cảm, không lành mạnh, mờ ám, thiếu minh bạch. Bài viết giới hạn ở việc phân tích những biểu hiện của lợi ích nhóm tiêu cực (gọi tắt là lợi ích nhóm) trong công tác tổ chức, cán bộ.
Một số giải pháp khắc phục “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ
Biểu hiện “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua với những dạng khác nhau ở các cấp độ, mức độ khác nhau trong các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, tuy chưa nhiều, chưa phổ biến nhưng rất nguy hại, cần sớm có chủ trương, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chính sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về tác hại của nhóm lợi ích tiêu cực và lợi ích nhóm tiêu cực trong công tác tổ chức, cán bộ để từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định cũng như tổ chức thực hiện đúng công tác tổ chức, cán bộ; khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua. Nâng cao nhận thức, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm cho cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước về tác hại của lợi ích nhóm, để từ đó thực hiện đúng, tốt chức năng tham mưu trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ. Kịp thời thay thế hoặc bố trí công việc khác cho phù hợp đối với những cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ có biểu hiện động cơ lợi ích nhóm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, thiếu trách nhiệm hoặc tiêu cực trong tham mưu, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, uy tín giảm sút.
Hai là, để tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW, của Bộ Chính trị, ngày 14-5-2011 và Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, ngày 7-6-2012, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; đồng thời thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm; nêu cao ý thức thực hiện đúng quy định về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Động viên người thân trong gia đình chấp hành nghiêm túc quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, tác động để làm trái hoặc được hưởng những chế độ, chính sách về công tác cán bộ không đúng tiêu chuẩn, điều kiện.
Ba là, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ một cách đầy đủ, đồng bộ, chuẩn xác, công khai, minh bạch. Đồng thời phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình thực thi mới hạn chế được việc lợi dụng, “lách luật” để cấp dưới ban hành chủ trương, chính sách, chế độ về công tác tổ chức, cán bộ thuộc cấp mình hoặc vận dụng thực hiện quy định của cấp trên ban hành mang tính chất lợi ích nhóm để trục lợi. Chấn chỉnh lại công tác tổ chức, cán bộ vì nhân tố con người là quan trọng nhất và quyết định tất cả. Chỉ đạo xây dựng một bộ tiêu chí cụ thể, sát thực hơn để đánh giá cán bộ một cách công khai, công bằng, hiệu quả nhất, đáp ứng được 3 tiêu chuẩn: thứ nhất, có tầm nhìn, năng lực, nhất là năng lực thực tiễn; thứ hai, có khả năng tổ chức triển khai; thứ ba, gương mẫu, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không cá nhân chủ nghĩa, không lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa và đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu; khắc phục tình trạng bầu cử, bổ nhiệm, đề bạt tuy đúng quy trình, hình thức, nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng cán bộ theo quy hoạch và thực tế năng lực, trình độ của họ; coi trọng phát hiện, đào tạo, sử dụng và tôn vinh người tài, “đủ tâm” và “đủ tầm” gánh vác trọng trách được giao; kiên quyết chống những biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác tổ chức, cán bộ. Sớm nghiên cứu áp dụng Luật Hồi tỵ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương. Nâng cao mức lương cho cán bộ, công chức, bảo đảm để họ có thể sống được bằng lương và thể hiện danh dự của người cán bộ, công chức sẵn sàng cống hiến cho Đảng, Nhà nước và hết lòng phục vụ nhân dân. Kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ, nghị quyết, quy định về công tác tổ chức, cán bộ đã ban hành để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định không còn phù hợp, khó thực hiện, dễ bị lợi dụng tạo lợi ích nhóm để trục lợi; ban hành mới những quy định còn thiếu và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, có kết quả.
Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp trên phải chú trọng, tăng cường, đổi mới phương thức, biện pháp, nội dung kiểm tra, giám sát, kiểm soát tổ chức đảng cấp dưới, cán bộ, đảng viên dưới quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ, quy định về công tác tổ chức, cán bộ, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao về công tác tổ chức, cán bộ. Đặc biệt là phải hết sức coi trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực (quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước) của tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, cơ quan, đơn vị, kể cả cán bộ tham mưu cấp chiến lược từ cấp tỉnh trở lên về công tác tổ chức, cán bộ; bảo đảm quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước đều phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ bằng chế độ, quy định, quy chế cụ thể, không được lạm dụng thực hiện lợi ích nhóm để trục lợi. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước phải tiếp tục rà soát để bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, chế độ công tác cho phù hợp, trong đó xác định rõ và phân công cụ thể, rành mạch trách nhiệm, quyền hạn của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, mối quan hệ giữa các thành viên trong chỉ đạo, điều hành nói chung, trong công tác tổ chức, cán bộ nói riêng để thực sự phát huy dân chủ, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng hoặc quyền lực tập trung vào một số ít người, hoặc lợi dụng cơ chế tập thể để hợp pháp hóa chủ trương, quyết định biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của một số ít người, thậm chí của một người. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn chủ trì ở các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước trước khi kết thúc nhiệm kỳ để chống “lợi ích nhóm”. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát, phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, bị tố cáo có vi phạm về lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, cán bộ phải được chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế của Nhà nước,... trong cán bộ, đảng viên, công chức gắn với đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, cán bộ để trục lợi. Trong đó chú trọng thực hiện quy định tất cả công chức khi vào làm việc tại cơ quan đảng, chính quyền đều phải kê khai trung thực, đầy đủ, chính xác tài sản của bản thân và của gia đình mình và sau đó phải thực hiện kê khai thường xuyên hằng năm; cuối nhiệm kỳ công tác hoặc trước khi được điều động, điều chuyển, luân chuyển công tác mới, bảo đảm công khai, minh bạch các nguồn thu nhập của bản thân và gia đình. Có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát và xử lý kịp thời các hoạt động phi pháp, ngăn chặn các biểu hiện bất minh, lợi ích nhóm, bảo đảm không có cơ hội để lợi dụng tạo ra nhóm lợi ích tiêu cực và lợi ích nhóm tiêu cực trong công tác tổ chức, cán bộ để tham nhũng, trục lợi. Sử dụng những công cụ, biện pháp giám sát của cộng đồng, của nhân dân và xã hội để phát hiện những dấu hiệu bất thường, bất minh nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, cán bộ.
Công tác tổ chức, cán bộ là công việc gốc của Đảng, bảo vệ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Nếu trong lĩnh vực này có suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực ở mức độ “lợi ích nhóm” thì rất nguy hại cho Đảng, Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém, khuyết điểm, hạn chế trong công tác tổ chức, cán bộ thời gian qua, dẫn đến tình trạng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích, chạy tội, bao che cho khuyết điểm sai phạm của cấp dưới. Vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ sự hình thành lợi ích nhóm, khái niệm lợi ích nhóm, biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến lợi ích nhóm, đề xuất một số giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra thấy được sự nguy hại, ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tổ chức, cán bộ nói riêng để có cơ sở, căn cứ đề ra các chủ trương, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh thực sự có hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng./.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ÁM THỊ VÀ ĐỒNG NHẤT HÓA, NHỮNG CƠ CHẾ TÂM LÝ XÃ HỘI DỄ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG

“TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” CUỘC ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG

Ông Bùi Tín không thể xuyên tạc lịch sử